Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

SỐNG HẠNH PHÚC CÙNG VỚI MẸ MARIA


     SỐNG HẠNH PHÚC CÙNG VỚI MẸ MARIA

Sống trên trần gian này ai cũng khao khát niềm hạnh phúc.  Nhưng đâu là niềm hạnh phúc đích  thực. Mẹ Maria cũng có khao khát niềm hạnh phúc. Thế nhưng niềm hạnh phúc của Mẹ là gì? Mẹ có niềm hạnh phúc như bao nhiêu con người khác, nhưng niềm hạnh phúc của Mẹ được lồng vào trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu mà chỉ có Thiên Chúa mới ban cho Mẹ ngang qua Con Một của Ngài. Mẹ Maria có phúc vì Mẹ đã ôm Chúa Giêsu trong lòng mình. Mẹ có phúc vì Mẹ đã sống theo lời Chúa, vì Mẹ đã sống những phúc thật mà Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta cùng suy ngắm và sống theo những cái phúc mà Mẹ đã sống.
I.      MẸ MARIA, MẸ CỦA CHÚA GIÊSU
1.    Hạnh phúc của Mẹ là ôm chặt Chúa Giêsu
“Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31)
Sau khi băn khoăn khó hiểu trước lời chào của Sứ Thần và được Sứ Thần Chúa giải thích Mẹ Maria thưa tiếng “vâng”. Sau tiếng xin “vâng” của Mẹ Maria Con Thiên Chúa, Ngồi Lời Vĩnh Cửu đã đi vào tâm hồn Mẹ, đi vào con người Mẹ. Kể từ đó niềm hạnh phúc của Mẹ là chính Chúa Giêsu ở trong lòng Mẹ. Mẹ giữ chặt Chúa Giêsu, Mẹ ôm chặt Chúa Giêsu, luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng mình. Cả ngày sống của Mẹ là cả ngày hướng về Chúa Giêsu, Mẹ không muốn rời Chúa Giêsu dù chỉ một phút, vì đó là niềm hạnh phúc nhất của Mẹ. Mẹ ôm chặt Chúa chứ không phải là cái gì.
Mẹ ôm Chúa Giêsu trong lòng trước khi sinh Chúa Giêsu ra, và khi Chúa Giêsu sinh ra, mắt mẹ luôn hướng về đó vì Mẹ biết đó là Con Thiên Chúa. Khi vua Hêrôđê tìm cách giết Chúa Giêsu Mẹ ôm Chúa Giêsu chạy trốn sang Ai cập. Khi được báo Hêrôđê băng hà Mẹ lại ôm Chúa Giêsu trở về Nazarét. Trong suốt 30 năm sống ẩn dật Mẹ Maria không ngừng đưa mắt hướng về Chúa Giêsu, phục vụ Chúa. Khi Chúa Giêsu đi rao giảng Mẹ cũng lẽo đẽo theo Chúa Giêsu. Nhưng trên hết khi Chúa Giêsu chết trên thập giá Mẹ Maria đã đứng dưới chân thập giá để đón nhận xác con mình, ôm lấy Chúa trong đau khổ tột bực.
Hạnh phúc của Mẹ là vậy đó. Đời Mẹ không có gì hạnh phúc bằng là có được Chúa Giêsu ở với Mẹ, cho dù Mẹ có khổ cực mấy Mẹ vẫn không bao giờ buông Chúa Giêsu ra vì Mẹ biết đó là hạnh phúc duy nhất cho đời Mẹ. Buông Chúa ra Mẹ mất hạnh phúc, buông Chúa ra Mẹ mất tất cả. Vì vậy khi lạc mất Chúa Mẹ quay lại tìm (x.Ga 2,…)
2.    Hạnh Phúc của tôi là chính Chúa
Ngày chúng ta chịu phép rửa tội chúng ta cũng có Chúa Giêsu ở trong mình. Nhưng liệu chúng ta có giống như Mẹ là có biết giữ lấy Chúa trong lòng mình hay không? có biết lấy làm hạnh phúc vì có Chúa ở với mình hay không? Có ôm chặt lấy Chúa không? Có lẽo đẽo theo Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn hay không?
Người đời đi tìm hạnh phúc theo kiểu của người đời. Với họ có tiền, có quyền, có tình là có hạnh phúc, và vì vậy người ta không ngừng lao vào những con đường với hy vọng kiếm được thật nhiều tiền, nhiều bằng cấp, kiếm được chỗ đứng trong xã hội, và kiếm được được đối tượng để thỏa mãn cơn khát dục cua chính mình. Thế nhưng con người không gặp được hạnh phúc đích thực trong đó, cho dù những thứ đó làm người ta thỏa mãn được chút ít.
Đó là cách sống của người đời, còn người kitô hữu, cách riêng là người tu sĩ, là những người thề hứa vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh để chỉ sống và tìm kiếm một mình Chúa mà thôi. Thế nhưng tất cả chúng ta cũng phải thú nhận là chúng ta đã từng nhiều ít chạy theo lối sống trần tục mà phản bội lại lời thề hứa của mình. Chúng ta vẫn muốn quyền khi chúng ta không muốn  vâng phục, chúng ta muốn tiền khi chúng ta lén lút sài tiền, chúng ta muốn tình cảm khi chúng ta tìm kiếm bù đắp cách này hay cách khác. Khi sống như thế chúng ta cách nào đó muốn gỡ gạc lại những gì chúng ta đã bỏ. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu chưa là niềm hạnh phúc cho chúng ta để chúng ta can đảm thí tất cả vì Chúa.
Lời Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Phl 3,8-9) Chỗ khác ngài nói: đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.” (Phl1,21) Chỉ có một Đấng duy nhất có thể đem lại hạnh phúc cho chúng ta, đó là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Con Đức Maria, đã sống kiếp con người, đã chết, đã sống lại và hiện đang ở lại trong mỗi người chúng ta. Chúng ta làm thế nào để cũng giống như Mẹ Maria, chúng ta ôm và giữ lấy Chúa thật chặt, cho dù cuộc sống có thử thách đau khổ, vì chỉ có Chúa Kitô mới có thể đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, niềm hạnh phúc đích thực. 
Chúng ta hạnh phúc khi được kêu gọi để sống cho Chúa, sống với Chúa. Trong nhà dòng chúng ta không làm gì chính yếu khác ngoài việc xây dựng một ngôi nhà, một tổ ấm trong đó chúng ta sống với Chúa Giêsu. Chúng ta tạo dựng một nơi mà Chúa Giêsu ở đâu ta ở đó với Ngài. Nơi ở đây không gì khác hơn là nội tâm của mỗi người chúng ta. Chúa ở trong cung lòng Mẹ Maria làm sao thì bây giờ Ngài cũng ở trong mỗi người chúng ta như vậy, đến nỗi nói như thánh Phaolô, “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20) Thế nhưng thay vì tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu, của Thánh Thần, nhiều khi chúng ta biến thành sào huyệt của trộm cướp (Lc 19,46) hoặc “thành nơi buôn bán (Ga 2,16) do lối sống trần tục của chúng ta.
Không ai qua mặt Mẹ Maria trong việc sống và giữ lấy Chúa Giêsu, và không ai có thể giúp chúng ta sống với Chúa Giêsu ngoại trừ Mẹ Maria. Mẹ hiểu được chúng ta, những yếu đuối của chúng ta, những hoàn cảnh của chúng ta, vì thế Mẹ luôn tìm cách giúp chúng ta sống với Chúa Giêsu. Khi chúng ta bị lôi kéo bởi thế gian Mẹ tìm cách lôi kéo chúng ta về lại với Chúa Giêsu, bảo vệ Chúa Giêsu trong chúng ta, bằng cách hiện ra với con cái của Mẹ dưới nhiều hình thức. Mẹ thương Chúa Giêsu làm sao Mẹ cũng thương chúng ta giống vậy. Mẹ ôm Chúa Giêsu chạy trốn làm sao thì mẹ tiếp tục ôm Chúa Giêsu trong chúng ta chạy trốn như vậy. Mẹ đã lẽo đẽo theo Chúa Giêsu làm sao thì giờ đây Mẹ cũng lẽo đẽo theo chúng ta như vậy. Mẹ đã đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu làm sao thì bây giờ Mẹ đứng bên cạnh chúng ta khi chúng ta chịu đau khổ thử thách. Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có Mẹ Maria. Chúa Giêsu ở trong chúng ta, thì Mẹ ở bên cạnh chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu cũng ở trong chị em của chúng ta. Nếu chúng ta muốn có Chúa ở với mình, trong mình, chúng ta phải yêu mến anh chị em mình. Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” (1Ga3,12) Nơi khác thánh nhân nói: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa” (1Ga3,20)
II.    ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ KHIÊM NHƯỜNG
Mẹ Maria là Mẹ của sự khiêm nhường, bởi vì tự bản chất Mẹ là Đấng luôn tìm kiếm sự khiêm nhường. Cuộc đời của Mẹ là một sự khiêm nhường. Có thể nói Mẹ không có gì để tự phụ cả, Mẹ luôn coi mình là nữ từ hèn mọn của Chúa: “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.” Mẹ ý thức Chúa đã ghé mắt nhìn đến kẻ nghèo hèn, mà Mẹ là một trong số những người đó. Mẹ luôn ý thức mình là kẻ mọn hèn, không một chút kiêu căng, vì Mẹ biết rằng Thiên Chúa luôn nghiêng mình trên kẻ mọn hèn, khiêm tốn.
Nhưng trên tất cả những đức tính làm cho Mẹ khiêm nhường, có một điều làm cho Mẹ trở nên con người khiêm nhường nhất, mà không ai trên rần gian này có được như Mẹ, đó là vì Mẹ mang trong mình, ôm trong mình Đấng Khiêm Nhường tuyệt đối, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Mẹ không chỉ có sự khiêm nhường, nhưng Mẹ có Đấng khiêm nhường, Đấng mà thánh Phaolô nói, “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,  nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”  (Phl 2, 6-8)
Như vậy Mẹ Maria có nơi mình sự khiêm nhường tuyệt đối vì Mẹ mang trong mình Đấng tuyệt đối. Vậy hạnh phúc của Mẹ hệ tại ở đâu?
1.                    Hạnh phúc của Mẹ Maria
Hạnh phúc của Mẹ Maria không nằm ở nơi nhưng vinh hoa trần thế, không nằm nơi sự giàu sang phú quý, nhưng nằm nơi sự khiêm nhường. Chính Đấng là khiêm nhường đang ở trong Mẹ, nên Mẹ cứ muốn là sống với Đấng khiêm nhường đó. Mẹ biết khi không còn khiêm nhường nữa điều đó có nghĩa là Mẹ mất hạnh phúc. Mẹ lấy làm hạnh phúc khi Mẹ sống trong sự khiêm nhường. Mẹ biết không gì có thể mang lại cho Mẹ hạnh phúc thật ngoại trừ sự khiêm nhường. Vì vậy mà Mẹ cứ thích ở mãi trong sự khiêm nhường. Mẹ không ở trong sự khiêm nhường vì bất đắc dĩ nhưng là vì thích thú sống trong đó.
Người ta có thể lấy hết tất cả của Mẹ nhưng không bao giờ lấy được sự khiêm nhường ra khỏi Mẹ. Và Mẹ sẵn sàng mất hết, miễn sao giữ được sự khiêm nhường, vì chỉ có khiêm nhường mới làm cho Mẹ giống với Con Thiên Chúa, cũng là Con Mẹ. Mẹ ôm chặt lấy Đấng Khiêm Nhường, và Mẹ quả thật là người có phúc. Mẹ có phúc vì Mẹ đã ôm lấy được vực thẳm của sự khiêm nhường, một vực thẳm mà chỉ có Thiên Chúa ban tặng mà thôi. Thiên Chúa đã dẫn Mẹ vào vực thẳm của sự khiêm nhường khi Ngài trao ban sự khiêm nhường của Ngài cho Mẹ qua Con Một của Ngài
2.                    Hạnh phúc của chúng ta
Hạnh phúc của Mẹ là sự khiêm nhường. Còn hạnh phúc của chúng ta ở đâu? Con người luôn đi tìm kiếm chỗ cao sang với hy vọng gặp ở đó niềm hạnh phúc cho mình và cho gia đình của mình. Thế nhưng càng tìm cách leo cao bao nhiêu con người càng bất an bấy nhiêu, bởi vì ai cũng tranh giành địa vị, chính vì thế mà người ta tìm cách hạ bệ nhau, và do đó không bao giờ có niềm hạnh phục thực sự.
Hạnh phúc của chúng ta cũng ở nơi sự khiêm nhường. Chúng ta là những kitô hữu, cách riêng là những tu sĩ, chúng ta có niềm hạnh phúc của chúng ta, niềm hạnh phúc không đến từ chúng ta mà đến từ Thiên Chúa, từ sự khiêm nhường của Chúa Kitô. Cũng như Mẹ Maria, Người tu sĩ chỉ có một niềm hạnh phúc đích thực đó là đi xuống trong vực thẳm của sự khiêm nhường, và đi như thế là đi vào trong chuyển động đi xuống của Con Thiên Chúa. Nhưng chính khi đi xuống như thế chúng ta lại được đưa lên. Sẽ không có đi lên nếu như không có đi xuống. Chúa Giêsu được Cha siêu tôn bởi vì Ngài đã đi xuống. Chúng ta cũng sẽ được Cha siêu tôn nếu như chúng ta chấp nhận đi xuống. Niềm hạnh phúc của Chúa Giêsu là sống vâng phục trong sự khiêm nhường. Niềm hạnh phúc của chúng ta cũng là sống vâng phục trong sự khiêm nhường. Vào nhà dòng là để tìm kiếm sự khiêm nhường.
Hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc đi xuống với chị em, sống ngang hàng với chị em, trong đó chúng ta sống tình bác ái đích thực. Sẽ không có bác ái đích thực nếu không có sự khiêm nhường. Khiêm nhường không làm cho chúng ta buồn chán vì thua kém, trái lại giúp chúng ta xích lại gần anh chị em mình hơn, chia sẻ vui buồn với anh chị em mình. Khiêm nhường làm cho chúng ta sống đức ái trọn hảo.
Chúng ta sống sự khiêm nhường này trong suy nghĩ, lời nói và hành động.
Trong suy nghĩ, là khi chúng ta suy nghĩ một cách đơn sơ, không cầu kỳ, không phức tạp, không lắt léo, không dối trá; là khi chúng ta ý thức rằng mình chẳng có gì cả, tất cả chỉ là hồng ân của Chúa. Thánh Phaolô nói: “Nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7) khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.” (1Cr 1,26)
Trong lời nói, là có sao nói vậy, không thêm thắt vì “thêm thắt là do ma quỷ mà ra,” trái lại “có thì nói có, không thì nói không.” Khiêm nhường là sự thật, nên lời nói phải là sự thật.
Trong hành động, là khi chúng ta không làm gì vì khoe khoang, vì muốn hơn người, trái lại làm mọi sự chỉ là để phục vụ, như Chúa Giêsu “đã đến không để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.” Ngai đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ thì bây giờ Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngai cũng hành động giống như thế.
Nhưng suy nghĩ, lời nói và hành động khiêm nhường chỉ là thật khi chúng phát xuất từ tình yêu. Không có tình yêu thì không có khiêm nhường thật. Khiêm nhường của Chúa Giêsu là khiêm nhường của tình yêu. Khiêm nhường của chúng ta cũng phải là khiêm nhường của tình yêu. Vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, vì tình yêu mà Ngài đã quỳ xuống rửa cho các môn đệ, vì tình yêu mà Ngài không sợ gì cả cho dù có trở thành nô lệ, cho dù có trở thành kẻ bị cho là mất trí, là điên khùng. Chúa chỉ sợ một điều là mất đi mỗi người chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu lấy làm hạnh phúc khi sống khiêm nhường như thế vì chúng ta. Nếu chúng ta muốn có phúc tht chúng a cũng phải làm giống như Ngài.
Thế nhưng nhìn lại chúng ta vẫn thấy mình còn sống xa với lối sống của Chúa Giêsu. Chúng ta vẫn thích sống theo lối sống của thế gian, cho nên chúng ta chưa có niềm hạnh phúc thật.Hạnh phúc thật chỉ có thể tìm thấy nơi vực thẳm của sự khiêm nhường vì tình yêu mà thôi.
Có những ngăn trở làm chúng ta không sống khiêm nhường được. Thêm vào đó là những yếu đuối của chúng ta làm cho chúng ta khó có thể đi vào trong con đường khiêm nhường. Vì vậy khiêm nhường trước tiên là nhận mình yếu đuối. Lời thánh Phaolô căn dặn chúng ta: đừng tự cao tự đại. Nếu có tự hào thì tự hào về những yếu đuối của mình, ngài nói: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.”(2Cr 11,30)
3.                    Mẹ Maria giúp chúng ta                                                           
Chúng ta có một người mẹ là Mẹ Maria đã sống trọn vẹn sự khiêm nhường giống Chúa Giêsu, Con Mẹ, nên Mẹ được Thiên Chúa siêu tôn. Thế nhưng Mẹ không bỏ chúng ta, Mẹ sẽ giúp chúng ta sống sự khiêm nhường này, để Mẹ làm sao ta cũng giống như vậy, với điều kiện chúng ta siêng nang đến với Mẹ.
III.   ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ LẮNG NGHE
Ngoài Chúa Giêsu ra có thể nói không ai có khả năng lắng nghe giống như Mẹ. Mẹ lắng nghe vì Mẹ biết dừng lại để suy đi nghĩ lại. Mẹ không chỉ nghe bằng tai mà Mẹ nghe bằng tâm. Lắng nghe bằng tâm là lắng nghe bằng con tim, bằng tình yêu. Vì lắng nghe bằng con tim nên Mẹ nghe rõ.
1.    Hạnh phúc của Mẹ là lắng nghe
Hạnh phúc của Mẹ là lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Mẹ nghe với niềm vui, niềm hạnh phúc. Mẹ lắng nghe không phải bằng tai thường mà bằng tai lòng. Có thể nói ngay từ nhỏ Mẹ đã không ngừng lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Khi thiên thần tuyền tin, mặc dù Mẹ bố rối, nhưng Mẹ đã lắng nghe lời giải thích của thiên thần và đón nhận bằng tiếng “xin vâng” : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc1,38) Trong hành trình theo Con mình Mẹ đã ghi nhớ lời Con mình: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc2,51) Mẹ ghi nhớ những lời nói của Chúa, những biến cố xảy ra trong cuộc đời của Mẹ và Mẹ coi đó như là tiếng nói đến từ Chúa. Mẹ nghe bằng cả con người của mẹ, cả tâm trí, cả linh hồn và cả con tim. Mẹ không lắng nghe cách trừu tượng, mẹ nghe trong thâm tâm của mình, Mẹ nghe ngang qua cuộc sống, ngang qua anh chị em của mình. Vì Mẹ nghe bằng trái tim và bằng cuộc sống cụ thể của mình nên Mẹ vừa gần với Chúa vừa gần với con người. Chính vì vậy mà mẹ đã nghe được nỗi khổ của những gia nhân trong tiệc cưới Cana, từ đó Mẹ tìm cách cứu giúp họ. (x. Ga2,1-12) Mẹ đã sống trọn vẹn câu nói của Chúa: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc8,21) Mẹ thực là Mẹ của Chúa Giêsu vì Mẹ nghe trọn vẹn và sống trọn vẹn Lời của Chúa.
Sâu xa hơn Mẹ nghe chính tai của Con Mẹ, vì Mẹ mang trong mình chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vì vậy Mẹ nghe chính bằng đôi tai của Con Mẹ. Mẹ nghe, rồi dừng lại, suy đi nghĩ lại trong lòng và Mẹ thích thú trong đó. Như vậy Mẹ nghe bằng tình thương và con tim của Chúa Giêsu, Đấng luôn lắng nghe tiếng Chúa Cha và đem ra thi hành: “"Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. (Ga4,33) Cách nào đó ta có thể nói Mẹ nghe bằng đôi tai vĩnh cửu, đôi tai của Đấng vĩnh cửu. Chúa Giêsu không ngừng lắng nghe tiếng Cha nói qua cuộc sống, qua thâm tâm của Ngài.
Mẹ Maria biết dừng lại để suy đi gẫm lại, dừng lại để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng Con mình; dừng lại để nghe tiếng nói ca thập giá trong nỗi đau của Con mình; dừng lại để nghe tiếng anh chị em của mình. Có thể nói Mẹ nghe tiếng Chúa từ trong bào thai; Mẹ nghe tiếng Chúa trong thinh lặng. Mẹ là một người ít nói nên Mẹ nghe rõ. Hạnh phúc của Mẹ là ở đó.
2.    Hạnh phúc của người tu sĩ
Cũng như Mẹ Maria, người tu sĩ cũng lấy làm hạnh phúc để lắng nghe tiếng Chúa và anh chị em mình. Để có thể lắng nghe được tiếng Chúa, người tu sĩ cần kết hiệp với Chúa trong thâm tâm của mình, và cần lắng nghe với con tim, với tình thương. Thiên Chúa lắng nghe chúng ta bằng tình thương nên Ngài nghe rõ chúng ta. Nếu chúng ta muốn nghe Ngài chúng ta cũng phải nghe bằng tình thương. Mặc dù tiếng Chúa luôn quẩn bách chúng ta, nhưng nếu chúng ta sẵn sàng nghe tiếng Chúa chúng ta sẽ hạnh phúc, hạnh phúc của người được nghe tiếng nói của Người mình yêu, đồng thời càng hạnh phúc bao nhiêu thì càng muốn nghe và nghe rõ bấy nhiêu. Bên cạnh đó nếu cũng với tình thương chúng ta lắng nghe  anh chị em của mình thì chúng ta sẽ nghe rõ, sẽ chú ý nghe, sẽ thích nghe....
Cũng như Mẹ nghe chính Chúa đang ở trong lòng mình, người tu sĩ cũng nghe tiếng Chúa trong nội tâm của mình; ở đó tiếng của Chúa Giêsu không ngừng nói với người tu sĩ, nhắc chúng ta mỗi khi chúng ta làm sai trái và khích lệ chúng ta làm mỗi khi chúng ta làm điều tốt lành; ở đó tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá vang lên; ở đó có tiếng kêu rên siết của Chúa thánh Thần (x.Rm 8,26)
Cũng như Mẹ chúng ta dừng lại để nghe tiếng kêu khốn khổ của anh chị em chúng ta để giúp đỡ, để kêu xin cùng Chúa cho anh chị em mình.
Cũng như Mẹ Maria, chúng ta cũng phải biết dừng lại để lắng nghe tiếng nói nội tâm,  để xem mình có đi đúng đường hay trật đường. Nếu chúng ta không biết dừng lại chúng ta có nguy cơ đi trật đường, càng trật càng đi xa.
Dừng lại để thấy rõ con người thật của mình. Nhiều khi chúng ta cứ tưởng chúng ta ngon lành, nhưng thật ra chúng ta cũng xấu xa, yếu đuối và tội lỗi để rồi từ đó sống khiêm nhường hơn.
Dừng lại để nghe rõ tiếng Chúa và tiếng anh chị em mình hơn.  Dừng lại để quan sát, để thấy rõ, để ý thức hành động của mình. Đôi lúc chúng ta làm mà không ý thức, nên đã sinh ra biết bao trục trặc. Dừng lại để vì tình bác ái nhường cho anh chị em mình. Đôi lúc trong cuộc sống người ta đã không nhường cho nhau nên đã từng đụng độ nhau.
Dừng lại để đừng gây tổn hại cho anh chị em mình, để không không xét đoán hay kết án, để không nói xấu, phê bình chỉ trích, để nghe lời Chúa căn dặn: “Anh em đừng xét đoán” (Mt7,1) Dừng lại để đừng gây cơ vấp phạm: “Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã.”(Rm14,13)
Dừng lại để không sống giả hình trong hành động cũng như trong cầu nguyện (Mt 6, 2-7) Dừng lại để đừng ngó lại đằng sau nữa. Dừng lại để chờ đợi, dừng lại để xót thương anh chị em mình, vác họ lên để nâng đỡ họ (x. Lc 10,33-34)
Dừng lại để trút bỏ những thứ còng kềnh, để không còn dính bén
3.    Mẹ Maria luôn yêu thương của chúng ta
Mẹ Maria là người mẹ có thể giúp chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và đem ra thi hành. Dù có những cản trở làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta vượt qua những cản trở để chúng ta nghe rõ tiếng Chúa.

IV.  ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ NGHÈO
Trong Tám Phúc mà Chúa Giêsu giảng trên núi, phúc thứ nhất là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt5,3) Con người nghèo là con người có phúc. Mẹ Maria là một người nghèo có phúc
1.    Nghèo là Hạnh Phúc của Mẹ Maria
Mẹ Maria là Người có phúc không phải vì Mẹ giàu sang, nhưng tại vì Mẹ nghèo. Có thể nói Mẹ nghèo về mọi phương diện: trí thức, địa vị, của cải... Thế nhưng Mẹ là người hạnh phúc. Mẹ hạnh phúc vì Mẹ ôm lấy Đấng nghèo khó trong mình, đó là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu là con người có phúc vì Ngài đã sống nghèo: Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu.”(Mt8,20) Ngài nghèo nhưng Ngài có mọi sự. Ngài nghèo từ trong cõi đời đời, từ trong cung lòng Chúa Cha. Ngài có phúc vì Ngài nghèo; nghèo nhưng Cha lại ban cho Ngài tất cả. Và khi vào trần gian này Ngài tiếp tục sống cảnh nghèo, Ngài không bao giờ muốn bỏ sự nghèo của Ngài vì đó là hạnh phúc của Ngài. Ngài muốn sống nghèo để nhận lãnh mọi sự từ nơi Cha của Ngài.
Bà Êlisabét nói với Mẹ:Em thật có phúc.”  Mẹ có phúc vì Mẹ đang mang trong mình Đấng nghèo khó. Mẹ không phải chỉ có sự nghèo khó mà Mẹ còn ôm trong mình chính Đấng Nghèo khó. Đấng nghèo khó đó lại được Thiên Chúa ban cho tất cả, thì giờ đây Mẹ cũng được Chúa ban tất cả nhờ Đấng nghèo đang ở trong Mẹ. Mẹ sẵn sàng mất tất cả để giữ chặt Đấng Nghèo trong mình. Mẹ không cần của cải giàu sàng vì Mẹ đã có mọi sự khi Mẹ ôm trọn kho tàng trong mình. Mẹ có mọi sự khi Mẹ sở hữu cho mình một Viên Ngọc quý là chính Đức Giêsu Kitô. (x.Mt13, 44-45) Hạnh phúc của Mẹ là hạnh phúc của con người nghèo, nghèo mà có mọi sự.
Hạnh phúc của Mẹ là hạnh phúc của con người sống phó thác hoàn toàn cho tình thương quan phòng của Chúa, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó.” (2Cr 8,9) Mẹ hoàn toàn sống phó thác cho Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ biết là toàn năng, là có thể làm mọi sự, Đấng mà Mẹ biết luôn nghiêng mình trên những con người nghèo, như Mẹ nói lên trong bài ca Magnificat: “kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư.” (Lc1,53)
Hạnh phúc của Mẹ là được chia sẻ với những con người nghèo khi Mẹ sống nghèo. Mẹ đến với người khác không tiền không của, nhưng Mẹ có trái tim nghèo, một trái tim tình thương muốn mang Chúa đến cho con người. Mẹ đến trao ban cho bà Êlisabét không phải là cái gì mà là Đấng Nghèo đang ở trong lòng Mẹ. Điều đó đã làm cho Mẹ và bà Êlisabét cùng nhảy mừng. Người cho và người nhận, cả hai cùng hạnh phúc. Mẹ đến với ông Simeon và bà Anna cũng không có gì ngoài Chúa Giê-su. Mẹ không có gì để cho ngoại trừ Đấng Nghèo tuyệt đối.
2.    Nghèo là hạnh phúc của người môn đệ
Nếu chúng ta nói với người không có niềm tin rằng nghèo là niềm hạnh phúc của con người, thì người ta sẽ cười nhạo chúng ta, nếu không muốn nói họ cho chúng ta bị tâm thần. Thế nhưng nếu chúng ta nói chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, là con của Mẹ Maria thì chúng ta biết Mẹ chúng ta, Chúa của chúng ta đã gặp được hạnh phúc trong sự nghèo, một cái nghèo có tất cả. Và khi sống cảnh nghèo đó thế gian đã không biết được nên cho Ngài là điên khùng. Ngài có thể sinh ra trong giàu sang và sống trong cảnh nhung lụa chứ. Thế mà Ngài lại chọn lối sống nghèo như vậy.
Tại sao Ngài lại sống như vậy? Thứ nhất, tại vì Ngài cứ muốn sống mãi cái thế của một người con nghèo từ trong cõi đời đời; thứ hai là vì Ngài muốn sống hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Cha Ngài; thứ ba là vì Ngài muốn chia sẻ với cảnh nghèo của con người để rồi dẫn họ vào cảnh nghèo vĩnh cửu của Ngài. Mẹ Maria hiểu và Mẹ là người có phúc vì đã đi vào trong chuyển động đó.
Khi chúng ta muốn đi vào trong cảnh nghèo này chúng ta cũng sẽ bị người đời cho là điên khùng. Nhưng, nói như thánh Phao-lô, “chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô.” (1Cr 4,10) Chúng ta phải thú nhận rằng không nhiều thì ít chúng ta đã từng chạy theo lối sống của thế gian, một lối sống giàu sang mà bao nhiêu con người muốn tìm kiếm. Chúng ta cảm thấy sợ khi phải sống nghèo, ngay cả khi chúng ta khấn khó nghèo. Khi chúng ta khấn khó nghèo chúng ta muốn trở nên trần trụi hoàn toàn để sống hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, để nhận lãnh mọi sự từ Ngài; đồng thời chúng ta muốn chia sẻ với anh chị em nghèo khổ của chúng ta.
Hạnh phúc của người tu sĩ là cái nghèo. Chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc vì được sống nghèo, vì khi đó chúng ta được thoát ra khỏi những dính bén trần thế để chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, Ngài là tất cả cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm8, 32) Thiên Chúa sẽ ban tất cả cho chúng ta trong Con Một của Ngài nếu như chúng ta chấp nhận đi vào trong con đường nghèo, nghèo về mọi mặt: của cải, trí thức, và cả đạo đức. Chúng ta chấp nhận nghèo để có được Đấng Nghèo. Cũng như Mẹ Maria chấp nhận mất tất cả để giữ được Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng chấp nhận mất tất cả để giữ được Chúa trong mình. Đó là niềm hạnh phúc của chúng ta. Có Chúa có tất cả, mất Chúa mất tất cả. Có một nỗi sợ chính đáng là sợ mất Chúa.
Hạnh phúc của người tu sĩ là sống hoàn toàn phó thác cho Chúa. Khi chúng ta khấn khó nghèo chúng ta muốn sống hoàn toàn phó thác cho tình thương của Chúa, với ý thức Ngài lo liệu cho chúng ta mọi sự. Cũng như Mẹ Maria sống hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, chúng ta cũng sống phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa
Hạnh phúc của người tu sĩ là được sống nghèo cùng với chị em của mình, bởi vì khi sống nghèo chúng ta sống như nhau, sống gắn bó nhau, chúng ta chỉ còn biết thương nhau. Ai đi tìm sự giàu sang cho mình để hãnh diện, người đó sống xa cách, sống bên trên, và sau cùng là không có đức ái thực sự. Đức ái của cộng đoàn đòi chúng ta trở nên nghèo. Cũng như Chúa Giêsu nghèo vì tình thương thì tôi cũng nghèo vì yêu mến anh chị em tôi.
Hạnh phúc của người tu sĩ cũng là sống nghèo để chia sẻ tình thương với anh chị em nghèo khổ của chúng ta. Chúng ta không sống vì người giàu mà vì người nghèo. Chúng ta không chỉ chơi với người giàu mà cả người nghèo. Sẽ không có chia sẻ cách sâu xa nếu như chúng ta không dám trở nên nghèo hèn. Chia sẻ với người nghèo để rồi mang Chúa Nghèo đến cho người nghèo. Cũng như Mẹ Maria đã mang Chúa đến cho bà Êlíabét thì ngang qua cuộc sống nghèo chúng ta cũng mang Chúa đến cho anh chị em của mình.
3.    Mẹ Maria, Đấng trợ giúp chúng ta.
Biết vậy, nhưng để sống theo lối sống của Chúa, của Mẹ không phải là chuyện dễ dàng, chúng ta cần ơn Chúa, chúng ta cần sự nâng đỡ của Mẹ. Mẹ đã có kinh nghiệm này, xin Đức Mẹ giúp chúng ta bắt chước Mẹ, sống tinh thần của Chúa Giêsu để chớ gì chúng ta có được Chúa Giêsu trong mình mãi mãi.
V.   ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ HIỀN LÀNH
Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai hiền lành.” Hiền lành là một trong những cái phúc mà Chúa Giêsu nói đến. Người hiền lành trước tiên là Chúa Giêsu. Ngài nói:Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt11,29) Bản chất của Ngài là hiền lành, Ngài hiền lành khi không tìm cách trả đủa ai, Ngài hiền lành khi đưa má cho người ta vả, khi để người ta sỉ nhục... Ngài hiền lành khi sống thật, không lắt léo... Hiền lành của Chúa Giêsu là hiền lành của thế giới Thiên Chúa, một sự hiền lành mà thế gian không hiểu được. Hiền lành này thế gian cho là dại khờ. Nhưng chính cái hiền lành “khờ dại” đó của Chúa Giêsu mà cả nhân loại được tha thứ và được cứu độ. Hiền lành của Chúa là hiền lành của tình thương, của lòng thương xót.
1.    Phúc của Mẹ Maria là sống hiền lành
Mẹ Maria có phúc vì Mẹ sống hiền lành giống Con của Mẹ. Có thể nói Mẹ đã hiền lành từ trong bào thai. Tội lỗi làm cho con người ta trở nên hung dữ, không sống hiền lành như thủa ban đầu khi Thiên Chúa mới tạo dựng, trước khi phạm tội. Mẹ Maria được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội, nên Mẹ đã trở nên hoàn toàn hiền lành. Hơn nữa khi Ngôi Hai nhập thể, Mẹ làm Mẹ của Đấng Hiền Lành. Mẹ ôm lấy Đấng hiền lành trong mình và Mẹ sống với Đấng hiền lành đấy. Hạnh phúc của Mẹ là Được nên một với Đấng Hiền lành. Cũng như Con của Mẹ, Mẹ hiền lành ngay trong máu huyết, Mẹ hiền lành trong lời nói, Mẹ hiền lành trong sự chấp nhận mọi nghịch cảnh, không biện hộ, không kêu ca phàn nàn. Chính vì vậy mà Mẹ đem niềm vui đến cho Chúa Giêsu, cho thánh Giuse, cho bà Êlisabet, cho các môn đệ.
2.    Niềm hạnh phúc của chúng ta
Như Mẹ Maria chúng ta cũng đi vào con đường hiền lành của Chúa. Mẹ đã ôm lấy Đấng là sự Hiền Lành, thì chúng ta cũng phải ôm lấy Đấng Hiền Lành. Ai có Chúa Giêsu trong mình người đó sẽ hiền lành. Ai không có Chúa Kitô chắc chắn sẽ không thể có sự hiền lành của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta học lấy sự hiền lành của Ngài. Nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự hiền lành nếu như chúng ta không ôm lấy Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu như Mẹ Maria. Chỉ khi nào chúng ta kết hợp sâu xa với Ngài, chúng ta mới có được “dòng máu” hiền lành của Ngài.
Hạnh phúc của Mẹ là sự hiền lành, thì hạnh phúc của chúng ta cũng phải là hiền lành. Hiền lành làm cho Mẹ hạnh phúc làm sao, thì chúng ta cũng để cho sự hiền lành chi phối toàn bộ con người chúng ta, làm cho chúng ta hạnh phúc. Trong cuộc sống nếu chúng ta để cho sự nóng nảy, hung dữ chi phối con người mình, chúng ta chẳng bao giờ được hạnh phúc cả. Thánh Phaolô thì can dặn: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. 30 Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.”(Ep4,29-31) Những lời nói và hành vi gian ác chỉ đem lại bất an cho mình và cho cộng đoàn. Những lời nói không xây dựng, những lời nói xấu luôn để lại những hậu quả không tốt cho cộn đoàn. Vì tình bác ái đối với cộng đoàn chúng ta đừng cho ra những virus đọc hại của lời nói. Người khác không được hạnh phúc thì chúng ta cũng không được hạnh phúc. Tình bác ái đòi chúng ta đừng làm tổn thương cho người khác. Thánh Phaolô nói: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tấtcả.” (1Cr 13,4-7)
Nếu chúng ta có sự hiền lành của Chúa chúng ta sẽ sống theo lời dạy của Ngài: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.  Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.  Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5, 38-42) Nếu chúng ta có sự hiền lành của Ngài chúng ta sẽ không tìm cách trả đủa, nhưng sẽ bằng lòng và cầu nguyện cho họ:hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5, 44) Khi chúng ta cầu nguyện cho người làm buồn lòng chúng ta, chúng ta sẽ được bình an trước tiên. Kháng sinh chống lại virus hung dữ chính là sự hiền lành.
3.    Mẹ Maria trợ giúp chúng ta
Sống hiền lành để đươc hạnh phúc không phải là chuyện dễ, vì vậy không ai có thể nói mình đã sống hiền lành. Chúng ta cần ơn Chúa và sự trợ giúp của Mẹ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta sống hiền lành giống như Mẹ.                                                                                                                                                                                                           
VI.  ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ KHÁT KHAO
Sống là khao khát, không khao khát là chết. Trong tám mối phúc Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” (Mt5,6) Chính Chúa Giêsu trong thân phận con người đã không ngừng khao khát, khao khát cho mình và cho anh chị em của mình. Ngài nói: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những  ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,49-50) Niềm khát khao này đạt đến trọn vẹn trên thập giá trong tiếng “Ta khát.” Tiếng khát này cũng là tiếng khát của cả nhân loại.
1.    Hạnh phúc của Mẹ là khao khát
Mẹ là người có phúc vì Mẹ không ngừng khao khát. Chắc chắn từ nhỏ Mẹ là người không ngừng khao khát sự thánh thiện, trở nên người công chính. Vì khao khát nên Mẹ luôn hướng về những điều thiện hảo. Mẹ có phúc vì khát vọng này chính Thiên Chúa đặt vào tận tâm hồn Mẹ, và Mẹ luôn sống trong khao khát đó. Nhất là cũng như bao nhiêu thiếu nữ thời bấy giờ mong mỏi được làm Mẹ Đấng Mêsia. Và Mẹ thật có phúc vì Mẹ đã được trở thành nơi Con Thiên Chúa ngự.
Mẹ thật có phúc vì ôm lấy Đấng hằng sống trong mình, Đấng Công Chính mà Mẹ hằng khao khát. Mẹ có phúc khi Thiên Chúa cho Mẹ được thỏa lòng, khi chọ Mẹ làm Mẹ của Đấng Công Chính. Nơi Mẹ chỉ có một khao khát, và đây cũng là khao khát của Con Thiên Chúa. Giờ đây khao khát của Mẹ được lồng vào trong khao khát của Chúa Giêsu. Mẹ ôm lấy nỗi khát khao của Chúa Giêsu, Mẹ đi theo Chúa Giêsu, cùng khát khao với Chúa Giêsu, nhất là dưới chân thập giá Mẹ thực sự hoàn toàn chia sẻ nỗi khao khát của Chúa Giêsu.
Cùng với Chúa, Mẹ khao khát sự công chính, sự sống vĩnh cửu cho Mẹ và cho nhân loại và Mẹ hạnh phúc trong nỗi khao khát đó.
2.    Hạnh phúc của chúng ta là sự khao khát
Con người cảm thấy hạnh phúc khi vẫn còn khát khao. Chúng ta khao khát là khao khát cho mình và cho anh chị em mình. Bao lâu còn khao khát bấy lâu còn sức sống. Bao lâu còn khao khát bấy lâu còn trăn trở tìm kiếm. Bao lâu còn khao khát bấy lâu còn muôn dấn thân. Bao lâu còn khao khát bấy lâu còn muốn theo đuổi ơn gọi, còn muốn thay đổi cuộc sống, còn muốn hy sinh. Bao lâu còn khao khát bấy lâu con niềm vui niềm và hy vọng…
Thế nhưng chúng ta khao khát điều gì?
Trước tiên chúng ta khao  khát sự công chính, khao khát sự sống đời đời. Cũng giống Mẹ chúng ta khao khát được ôm lấy Chúa Giêsu, vì chúng ta biết rằng chính nơi Ngài có tất cả, chính nơi Ngài Thiên Chúa ban tất cả cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm8,32) Chính nơi Ngài có tất cả: niềm vui, sự bình an, sự sống đời đời... Như thế chúng ta khao khát không phải một lý tưởng mơ hồ mà là một Con Người, Đấng đem lại bình an cho chúng ta. Thánh Phaolô nói : “Chính Ngài là sự bình an của chúng ta” (Ep2,14)
Ao ước sau cùng là ra đi để được kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô. Thánh Phaolô có ao ước này: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần” (Phl1,23) Cả cuộc đời của chúng ta là khao khát để được ở với Chúa, sống với Chúa, khao khát và khao khát mãi bao lâu chưa thỏa mãn. Thánh Augustinô có kinh nghiệm này. Ngài nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo chúng con cho Chúa và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thú)
Bao lâu mà chúng ta không còn cảm thấy khao khát này nữa chúng ta biết mình đã sa sút trong ơn gọi, khi đó chúng ta sẽ khao khát thứ khác: tiền tài, danh vọng, tình cảm.... Và càng khao khát những thứ trần gian, ta càng xa với khao khát Thiên Chúa. Thánh Inhaxio thành Antiokia nói: “Còn yêu mến thế gian thì đừng nói đến Đức Ki-tô làm gì”. Thánh Gioan thì nói: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha.”(Ga2,15) Chính khát vọng đó nung nấu các thánh không ngừng tìm kiếm Chúa, bất chấp mọi gian nan thử thách. Cũng như Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đau khổ và thử thách, ngay cả cái chết cũng không bao giờ làm cho các thánh thôi khao khát dù chỉ một giây. Chúng ta khao khát có Chúa trong mình và càng có Chúa chúng ta lại càng khao khát, vì lúc ấy chúng ta khao khát bằng khao khát của Chúa Giêsu.
Chúng ta lúc đó không không khao khát một mình mà cùng khao khát với Chúa, vi Mẹ và với anh chị em mình, đồng thời cũng khao khát cho anh ch em mình. Cùng với Mẹ, Chúa khao khát cho các môn đệ nên một. Vì vậy Ngài cầu xin cùng Cha “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.(Ga17,21)Bên cạnh đó Ngài xin Cha cho Ngài ở đâu thì chúng ta ở đó với Ngài.(x.Ga17,24) Ngài cũng khao khát cho chúng ta thoát khỏi ác thần: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” (Ga17,15) Khao khát đó của Chúa cũng là khao khát của mỗi người chúng ta nếu chúng ta thực sự thương anh chị em chúng ta. Bác ái trước tiên là khao khát cho anh chị em luôn được kết hợp với Chúa và trong Chúa anh chị em nên một với nhau. Chúa ở đâu anh chị em cũng ở đó. Để được vậy chúng ta cũng khao khát  cho mình và cho anh chị em thoát khỏi những lôi cuốn của thế gian. Giờ đây Chúa Giêsu đang khao khát, chúng ta cũng khao khát với Ngài bao lâu ngày quang lâm chưa đến.
3.    Mẹ Maria giúp chúng ta
Không ai khác ngoài Chúa có thể sống trọn vn nỗi khát khao này và cũng không ai khác sống nỗi khao khát của Chúa bằng Mẹ. Giờ đây Mẹ đang không ngừng khao khát cho chúng ta được gặp Chúa, sống với Chúa để Mẹ hạnh phúc làm sao chúng ta cũng hạnh phúc như vậy. Hạnh phúc của Mẹ là khao khát sự công chính, khao khát Thiên Chúa thì chúng ta cũng vậy hạnh phúc ca chúng ta là  khao khát sự sống đời đời cho mình và cho anh chị em của mình.
VII. ĐỨC MARIA, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Đấng đầy lòng thương xót, Đấng là hiện thân của lòng thương xót, chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, như Đức thánh cha Phanxicô nói trong năm kính lòng thương xót: “....” Đời sống của Ngài, hành động của Ngài luôn bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thương xót, Ngài đến sống với con người, chia sẻ thân phận của nó, sống ngang hàng với nó; vì thương xót Ngài đến đến mang lấy những yếu đuối, những hậu quả của tội lỗi; vì thương xót Ngài đến chữa lành những bệnh nhân, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại. Vì thương xót Ngài đến để tha thứ cho con người, và sau cùng vì thương xót mà rên thập giá Chúa đã tha thứ cho những kẻ làm khốn mình, để rồi nhờ đó con người được nên một với Ngài và có sự sống của Ngài.
1.    Hạnh Phúc của Mẹ Maria
Hạnh phúc của Mẹ là mang chính Đấng đầy long thương xót trong mình. Mẹ trở thành Mẹ của lòng thương xót vì Mẹ mang trong mình chính Đấng đầy lòng thương xót.
Hạnh phúc của Mẹ là trước tiên Mẹ cảm nhận lòng thương xót của Chúa đối với Mẹ. Mẹ ý thức Mẹ chỉ là tôi tớ thấp hèn, thế mà Chúa lại thương xót Mẹ. Kế đến Mẹ thấy được lòng thương xót của Chúa dành cho dân Israel trải qua các thế hệ:Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”(Lc1,50) Và chắc chắn dưới chân thập giá Mẹ đã nghe được tiếng sau cùng của Con mình xin Thiên Chúa tha thứ cho kẻ làm khốn mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23,34) Câu này là câu được trao ban cho những người do thái, những người lính La mã và tất cả nhân loại. Chắc chắn Mẹ mang trong mình câu nói đó để Mẹ tiếp tục sống lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta.
Hạnh phúc của Mẹ là được cưu mang Đấng đầy lòng, đi theo Đấng đầy lòng thương xót, chứng kiến lời nói và hành động của Đấng xót thương. Đời Mẹ chỉ có vậy thôi, Mẹ hạnh phúc trong đó. Và giờ đây Mẹ mang trong máu huyết của Mẹ để rồi đến phiên Mẹ, Mẹ lại tiếp tục sống lòng thương xót của Chúa, tiếp tục trao ban lòng thương xót Chúa cho anh chị em em mình, nhất là những người yếu đuối tội lỗi. Mẹ cùng với Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần, không ngừng rên siết kêu van lòng thương xót Chúa cùng với nhân loại và cho nhân loại.
Nhiều lần Mẹ hiện ra không gì khác hơn là mời gọi con người tin tưởng và quay trở lại với lòng thương xót Chúa. Chắc chắn qua sự cầu bầu của Mẹ, Chúa đã cho xuất hiện những vị thánh tiếp tục chuyển tải lòng thương xót Chúa cho anh chị em, đặc biệt là thánh Faustina được trao sứ mệnh cổ vũ sùng kính lòng thương xót Chúa, như chúng ta đã biết.
Hạnh phúc của Mẹ là làm sao không ai bị hư đi. Hư đi dù chỉ một người  sẽ làm Chúa, Mẹ Maria và cả triều thần thánh đau buồn, nói theo kiểu con người. Mẹ đã làm mọi cách để Chúa Giêsu vui thì giờ đây Mẹ cũng sẽ tìm mọi cách để làm cho Chúa vinh quang, bằng cách làm cho con người nhận ra lòng thương xót Chúa, nhờ đó con người hưởng ơn cứu độ. Mẹ hạnh phúc khi ai đó tin vào lòng xót thương của Chúa mà không thất vọng.
2.    Niềm hạnh phúc của các môn đệ
Cũng như Mẹ Maria, người môn đệ của Chúa lấy làm hạnh phúc khi biết Thiên Chúa xót thương mình và cũng lấy làm hạnh phúc khi biết xót thương anh chị em của mình. 
Thật vậy, cuộc đời chúng ta là một cuộc đời tội lỗi. Nếu không có lòng thương xót Chúa chắc chắn chúng ta chẳng có hy vọng gì, chúng ta chỉ chết trong tội của chúng ta. Biết bao lần chúng ta sa đi ngã lại, nhưng cứ mỗi lần chúng ta sa ngã là mỗi lần Chúa đến nói với chúng con: Cha tha cho con. Khi lương tâm khiển trách chúng ta, chúng ta lại nghe Chúa nói với chúng ta qua thánh Gioan: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao c hn lòng chúng ta, và Người biết hết mi sự.”(1Ga3,20) và “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính s tha tội cho chúng ta, và s thanh tẩy chúng ta sch mi điều bất chính.”(1Ga1,19) Ngài thanh tẩy chúng ta bằng Máu Con của Ngài (x.1Ga1,7)
Chúa không muốn chúng ta phạm tội rồi phải chết, nên chi khi vừa phạm tội chúng ta có Con của Ngài bào chữa cho chúng ta. Thánh Gioan nói: “Nhng nếu ai phm tội, thì chúng ta có một Đấng Bo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.” (1Ga2,1) Trong cuộc sống chúng ta phải cảm nhận lòng thương xót của Chúa để không bao giờ thất vọng. Thiên Chúa không mệt mỏi tha cho chúng ta; Ngài không tố cáo tội chúng ta, không kết án chúng ta: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm8,333-34)
Bên cạnh đó chúng ta có Chúa Kitô ở trong chúng ta, Ngài là lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng như Mẹ Maria hạnh phúc khi ôm lấy Chúa trong mình thì chúng ta cũng hạnh phúc vì được ôm lấy Chúa của lòng thương xót trong mình. Và cùng với Mẹ chúng ta nhảy mừng. Nhưng nếu chúng ta nhảy mừng khi ch với Mẹ mà còn với anh chị em mình nữa. Vì vậy chúng ta cần trao bao Đấng đầy lòng thương xót của Chúa cho anh chị em. Vì tình bác ái cộng đoàn không cho phép ta vui thoả một mình, ta phải “vui với người vui và khóc với người khóc.” (Rm12.15) Và để được vậy chúng ta cần xót thương chị em như Chúa đã xót thương chúng ta. Nếu Chúa tha thứ cho chúng ta thì chúng ta tha thứ cho chị em mình. Thế nhưng trong thực tế chúng ta muốn được tha mà lại không muốn tha. Tha thứ luôn mở ra cho mình và cho chị em mình con đường sống: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là k sát nhân. Và anh em biết: không k sát nhân nào có sự sống đời đời ở li trong nó.”(1Ga3,15)
 3. Sống với Mẹ của lòng thương xót
Chúng ta biết lòng thương xót cần cho chúng ta và cho anh chị em chúng ta. Chúng ta hạnh phúc vì lòng thương xót Chúa đói với chúng ta, nhưng để sống lòng thương xót với anh chị em không phải là chuyện dễ dàng,  chúng ta cần ơn Chúa với sự trợ giúp của Mẹ.  Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết ôm lấy Đấng là lòng thương xót, nhưng không chỉ ôm cho mình, mà còn cho anh chị em mình. Bên cạnh đó chúng ta chúng ta cùng với Mẹ ôm lấy những yếu đuối bệnh hoạn tật nguyền của anh chị em mình.
VIII.                ĐỨC MARIA, MẸ CỦA LÒNG TRONG SẠCH
Chúa Giê su nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt5,8) Chúa Giêsu có tâm hồn trong sạch nên dù trong thân phận con người Ngài đã luôn thấy Chúa Cha. Ngài sống và làm việc trong khi luôn thấy Cha trước mắt vì Ngài có tâm hồn trong sạch. Ai có tâm hồn trong sạch như Ngài sẽ nhìn thấy Thiên Chúa. Người đầu tiên có tâm hồn trong sạch chính là Mẹ Maria.
  1. Hạnh phúc của Mẹ là sống trong sạch
Mẹ có phúc vì Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội. Nhờ ơn đó mà mẹ luôn sống trong sạch, nhờ ơn đó Mẹ nhìn mọi sự dưới con mắt trong sạch, phán đoán mọi sự với tâm hồn tinh tuyền. Hơn nữa khi Ngôi hai nhập thể Mẹ lại càng hạnh phúc gấp bội vì Mẹ trở nên Mẹ của Đấng hoàn toàn tinh tuyền không vết nhơ; mẹ thực sự là Mẹ của sự trong sạch.
Chính vì thế Mẹ đã được thấy Thiên Chúa. Mẹ thấy Thiên Chúa trong tâm hồn, Mẹ thấy nơi Chúa Giê su, Mẹ thấy nơi anh chị em mình. Vì vậy mà trong tư tưởng cũng như hạnh động Mẹ không bao giờ xét đoán, không bao giờ nói xấu, không bao giờ chỉ trích ai; không bao giờ Mẹ để cho sự xấu đi vào tâm hồn Mẹ. Mẹ làm thế vì có thể nói Mẹ chỉ sợ một điều là không còn thấy Chúa. Càng muốn thấy Chúa mẹ càng giữ tâm hồn thanh sạch.
Mẹ có phúc vì tâm của Mẹ chỉ chứa những gì là tốt lành nên Mẹ cũng chỉ nói những lời tốt lành. Chúa nói : “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”(Mt12,34) Nơi Mẹ chỉ có lòng đầy những điều trong sạch và thánh thiện nên mẹ chỉ thót ra những lời tốt lành. Bài ca Magnificat cho chúng thay điều đó.
  1. Hạnh phúc của chúng ta
Chúng ta liệu có được hạnh phúc giống Mẹ không? Những gì Mẹ có Chúa cũng muốn ban cho chúng ta, vì Thiên Chúa không đối xử phân biệt. Chúa ban cho Mẹ trước để rồi từ đó ban cho chúng ta. Sự trong sạch của Mẹ là hứa hẹn cho sự trong sạch của chúng ta.
Chúng ta có phúc nếu chúng ta giữ tâm hồn thanh khiết. Mẹ có phúc vì Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội. Chúng ta cũng có phúc vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội chúng ta được thanh tẩy mọi vết nhơ tội lỗi. Thánh Gioan mời gọi chúng ta đừng phạm tội,(x.1Ga2,1) ngài lập đi lập lại lời mời gọi đó. Thế nhưng vì yếu đuối chúng ta vẫn cứ sa ngã, chính tội lỗi làm cho chúng ta không còn trong sạch. Tội để lại hậu quả cho anh chị em mình. Một người phạm tội sẽ ảnh hưởng người khác. Trái lại một người làm điều thiện sẽ để lại hậu quả tốt cho anh chị em mình: “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.”(Rm5,19) Chỉ có một Đấng duy nhất có thể làm cho chúng ta được thanh sạch, đó là Đức Giê-su: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm7,24-25)
Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta giữ tâm trí mình thanh sạch. Giữ tâm trí thanh sạch là đừng để cho những hiểu biết trần tục lọt vào tâm trí chúng ta, không để cho tâm trí chúng ta đầy những tư tưởng xấu. Ngày nay nhiều trào lưu, nhiều tư tưởng xem ra bên ngoài tốt lành, nhưng chỉ là những thứ độc hại: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô.”(Cl2,8) Chúng ta có kinh nghiệm không nhiều thì ít tâm trí chúng ta đầy những hình ảnh xấu, đầy những lời nói xấu. Vì vậy mà chúng ta thường hay nói xấu, những lời nói làm cho anh chị em mình chịu hết nổi, hoặc những lời nói mà một câu hai ý; chúng ta thường hay phê bình chỉ trích làm cho tương quan trở nên nặng nề. Không nhiều thì ít chúng ta phải công nhận rằng, chúng ta đã từng thốt ra những điều xấu.
Mà tại sao chúng ta hay thốt ra những lồi nói xấu? Tại vì chúng ta đã từng nghe, đã từng nuôi dưỡng chúng. Cho vào cái gì thì ra cái đó. Cưu mang cái gì thì sinh ra cái đó. Nghe điều tốt sẽ nói điều tốt, nghe điều xấu thì nói điều xấu. Thực sự trong thâm tâm chúng ta không muốn nghe và nói điều xấu, nhưng chúng ta cảm nhận ra rằng có một thế lực luôn ngăn cản chúng ta: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm”(Rm7,15) và do đó chỉ có Chúa Kitô mới đem lại hạnh phúc cho chúng ta vì chỉ có Ngài mới thoát chúng ta khỏi tình trạng này bằng chính Máu của Ngài. Nhờ Máu Ngài đổ ra mà chúng ta không sống theo tư tưởng trần thế, mà sống theo tư tưởng của Chúa Kitô. Chúng ta chỉ có một tư tưởng đó là tư tưởng của Chúa Ki-tô. Thánh Phaolo nói: “Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Ki-tô.”(1Cr2,16) Tất cả phải quy về Chúa Ki-tô: “Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô”(1Cr 10,5)
Chúng ta hạnh phúc khi chúng ta có con tim tinh tuyền, một con tim luôn hướng về điều thiện hảo, luôn về những điều lành, một con tim chỉ yêu thích những gì thánh thiện. Tôi chỉ có thể có được con tim tinh tuyền khi tôi có con tim của Chúa Giê-su, chỉ khi tôi mặc lấy Chúa Kitô. Vì vậy chúng ta “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí”, và “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep4,24) Mặc lấy con người mới là mặc lấy Chúa Kitô: “Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng Nhờ có tâm hồn thanh sạch mà chúng ta mới thấy được Chúa Giêsu.” (Rm13,14)
Chúa Giêsu nói: phúc cho mắt anh em vì đã xem thấy. Chúng ta có phúc nếu nhờ tâm hồn trong sạch chúng ta thấy rõ được chính mình, thấy rõ được anh chị em mình, và nhất là thấy rõ Thiên Chúa, Đấng là hạnh phúc tuyệt đối cho chúng ta.
Chỉ có mẹ mới có thể giúp chúng ta giữ con tim tinh tuyền này-vì chỉ có Mẹ mới có con tim trong sạch- để chúng ta có niềm hạnh phúc là được nhìn thấy Chúa.
IX.  ĐỨC MARIA, MẸ CỦA HÒA BÌNH
Chúa Giêsu nói: Phúc thay ai xây dựng hoà bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt5,9) Thánh Phaolô nói “Đức Ki tô là sự bình an của chúng ta.” (Ep2,14) Ngài là sự bình và đem bình an đến cho anh chị em của mình. Mẹ Maria là người sống đầu tiên sự bình an của Chúa.
1.    Hạnh phúc của Mẹ là sự bình an
Mặc dù Mẹ trải qua những thăng trầm, thế nhưng Mẹ luôn có sự bình an, vì Mẹ cưu mang Đấng được gọi là sự bình an. Mẹ chẳng những có sự bình an, nhưng ở đây Mẹ có chính Đấng mà bản chất là sự bình an, một sự bình an sống động, một sự bình an vĩnh cửu, một sự bình an của sự sống, của chuyển động. Vì vậy Mẹ không chỉ mang sự bình an này cho mình, nhưng sự bình an đó thúc đẩy Mẹ mang đến cho người khác, trao ban cho người vì Mẹ không mang trong mình sự bình chết mà là sự bình an sống. Người mà Mẹ mang sự Bình an đến cho trước tiên chính là bà Êlisabet; Mẹ mang bình an đến cho ông Simeon đến nổi sau khi gặp gỡ Mẹ ông đã thốt lên: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.”(Lc2,29) Mẹ cũng đem bình an đến cho tiệc cưới Cana. Cuộc đời của Mẹ ôm lấy, chiêm ngắm và sống với Đấng Bình An, và rồi trao ban bình an đó cho người khác. Đó là hạnh phúc của Mẹ. Mẹ là người luôn xây dựng bình an.
2.    Bình An là Hạnh phúc của người môn đệ Chúa
Khi sai các môn đệ đi Chúa không cho mang gì theo ngoài trừ sự bình an. Vì vậy khi vào nhà nào Chúa bảo hãy nói bình an cho nhà đó. Như thế người môn đệ của Chúa chỉ được mang theo nơi mình sự bình an và trao cho anh chị em mình sự bình an. Thế nhưng bình an của người môn đệ không phải là bình an theo kiểu của thế gian, nghĩa là được mọi sự yên ổn nhờ vào những tài năng khéo léo của mình hoặc nhờ vào tài thống trị của mình… Không, bình an của người môn đệ Chúa là bình an của Chúa Ki-tô, một thứ bình an không theo kiểu người đời: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga14,27) Bình an Chúa ban cho không phải là một thứ gì nhưng là chính mình Ngài.
Hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc của người mang trong mình sự bình an của Chúa, hay nói đúng hơn hạnh phúc của chúng ta như mẹ Maria là chúng ta mang trong mình Đấng là sự bình an đó. Ngài chính là sự bình an cho chúng ta. Nhưng thật hạnh phúc bởi vì để cho chúng ta có được sự bình an đó Chúa Giê su phải chết. Chỉ khi chết và sống lại Ngài mới cho chúng ta bình an đó được, bởi vì chỉ từ đó Ngài với chúng ta nên một với nhau, nhờ đó sự bình an của Ngài được truyền sang chúng ta. Chỉ sau khi chết và sống lại Ngài mới có thể nói bình an cho anh em khi hiện ra với các môn đệ. Hạnh phúc của chúng ta là vì Thiên Chúa đã làm tất cả để cho chúng ta có được sự bình an, kể cả để cho Con của Ngài đổ máu ra: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl1,20)
Hạnh phúc của chúng ta là chúng ta có được ơn cao trọng: ơn bình an, và chúng ta cố gắng giữ lấy ơn bình an đó. Thánh Phaolo nói: “Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.”(Cl3,15)
Thế nhưng ta phải thú nhận rằng chúng ta không sống với ân sủng đó, chúng ta không sống với Đức Ki tô là sự bình an, mà lại đi tìm một cái gì khác. Chúng ta cứ sống bất an. Chúng ta nghĩ có được cái này cái kia chúng ta sẽ được bình an, nhưng thực ra những thứ đó chẳng đem lại bình an, trái lại chỉ đem lại bất an. Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta tìm kiếm bình an giả tạo mà lại gạt đi  Đấng là nguồn sự bình an đích thực.
Đã hẳn đây là sự bình an không theo kiểu thế gian. Chúa nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga14,27) Bình an này đòi chúng ta phải trả giá, đòi chúng ta phải hy sinh và chịu đau khổ. Bình an của chúng ta gắn liền với thập giá Chúa Kitô. Muốn có sự bình an này chúng ta phải vác thập giá theo Chúa. Giữa những đau khổ chúng ta vẫn gặp thấy được sự bình an. Mẹ Maria không phải không gặp đau khổ; Mẹ đau khổ, chịu nhiều thử thách, từ khi thụ thai cho đến khi sinh con và nhất là đứng dưới chân thập giá, Mẹ Maria vẫn có được sự bình an, vì ở trong đau khổ đấy Mẹ vẫn ôm lấy Chúa Giêsu, là Đấng Bình An. Nếu trong những lúc đau khổ và thử thách chúng ta vẫn có Chúa ở với chúng ta, chúng ta cứ bám lấy Chúa chúng ta vẫn giữ được sự bình an. Chắc chắn thế gian sẽ không hiểu được chúng ta, nhưng chúng ta, người trong cuộc, chúng ta biết chúng ta có bình an đích thưc.
Đau khổ không làm chúng ta xa Chúa, trái lại làm chúng ta xích lại gần Chúa hơn, nhờ đó chúng ta được bình an. Thế gian làm cho chúng ta bất an bằng những tiện nghi, nhưng Chúa lại ban cho chúng ta bình an ngang qua những thử thách đau khổ. Kinh nghiệm cho thấy nhiều lúc chúng ta sướng hay thành công, khi đó chúng ta có nguy cơ ngủ trong đó mà quên đi cả Chúa là nguồn bình an thật.
3.    Bình an cho anh chị em mình
Niềm hạnh phúc chúng ta không giữ cho mình mà thôi. Sự bình an chúng ta có được chúng ta không giữ riêng cho mình mà cũng như Mẹ Maria cũng biết trao ban cho người khác, trước tiên cho anh chị em sống chung với mình. Nếu chúng ta có sự bình an của Chúa, hay nói cách khác nếu chúng ta có Đấng Bình An ở với mình thì chắc chắn chúng ta sẽ đem bình an đến cho người khác. Cho nên nếu chúng ta thấy một anh chị em nào đó mà bất an vì chúng ta thì chúng ta biết chúng ta chưa có sự bình an đích thực của Chúa Kitô. Tình bác ái cộng đoàn đòi chúng ta không được làm cho chị em mình bất an. Chúng ta không mắc nợ nhau gì cả ngoài món nợ tình thương, món nợ bình an. Bao lâu chúng ta thấy người chị em mình còn bất an thì chúng ta cũng chưa được bình an trọn vẹn. Chúng ta không thể ngủ ngon khi anh chị em chúng ta không ngủ được vì chúng ta.
Hạnh phúc của chúng ta là xây dựng hòa bình, đem bình an đến cho người khác. Khi chúng ta làm cho người khác bình an chúng ta cũng được bình an. Chúa Giêsu không giữ bình an cho mình mà trái lại Ngài trao ban. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải trao ban. Không cho thì không bao giờ có phúc cả. Chúa Giêsu nói: “Cho thì có phúc hơn.”(Cv20,35)
Xin Đức Mẹ cầu bầu để chúng biết giữ lấy Chúa là sự Bình an trong mình, đồng thời biết mang Chúa đến với chị em mình. Xin cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì có Chúa là bình an cho đời mình, đồng thời biết mang niềm hạnh phúc này đến cho người khác.

X.   ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ BỊ BÁCH HẠI
Chúa Giê su nói: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”(Mt5,10) Mẹ Maria đã sống trọn cái phúc này.
1.    Hạnh phúc của Mẹ là chịu đau khổ
Hạnh phúc của Mẹ là được chia sẻ những đau khổ với Đức Kitô. Chúa Kitô đã chịu bách hại ngay từ khi mới sinh ra, và đạt đến tột đỉnh trên thập giá. Mẹ Maria được ông Simeon tiên báo một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ. Quả thật, Khi Mẹ mới sinh Chúa ra, Mẹ đã phải ôm lấy Chúa chạy trốn sang Ai Cập vì Hêrôđê đang tìm cách giết Chúa Giêsu; rồi khi đồng hành với Chúa trên con đường rao giảng Mẹ đã chứng kiến những lời người ta lăng mạ Con mình: cho Chúa bị mất trí, cho Chúa là kẻ phạm thượng, cho Chúa một tên quấy rối. Rồi đứng dưới chân thập giá trong đau đớn Mẹ ôm xác Chúa. Mẹ quả thực hạnh phúc vì đã đi trọn vẹn con đường đau khổ của Chúa.
Mẹ có phúc vì được chia sẻ cuộc tử nạn của Chúa, nhờ đó mà cả nhân loại, trong đó có Mẹ, được cứu độ. Mẹ có phúc vì chính ở dưới chân thập giá Mẹ cảm nhận Mẹ thực sự là Mẹ của Con Thiên Chúa trong hành vi trở về với Thiên Chúa. Mẹ có phúc vì giây phút Chúa trút hơi thở thì Mẹ là người đón nhận Hơi thở của Con mình, cũng là Thần Khí đầu tiên, Thần khí mà Chúa Giê su đã hứa. Mẹ có phúc vì dưới chân thập giá Mẹ là Mẹ của tất cả chúng ta khi Chúa trối thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Đây là con của Bà.” (Ga19,26) Kể từ đó Mẹ bắt đầu chia sẻ nỗi đau khổ và thử thách của chúng ta.
Những đau khổ thử thách không làm cho Mẹ rời xa Con Mẹ, Con Mẹ đau khổ Mẹ cũng đau khổ; Con Mẹ chết Mẹ cũng chết cách nào đó. Và rồi nhờ tham dự trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Chúa, Mẹ đã được Thiên Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác.
2.    Hạnh phúc của người môn đệ Chúa
Chúa Giê su nói: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”(Mt5,11-12)
Cũng như Mẹ Maria, nếu chúng ta muốn có cái phúc được chia sẻ vinh quang của Chúa, chúng ta cũng phải đi vào con đường mà Chúa Giêsu đã đi, đó là con đường khổ giá. Thánh Phaolô nhắn nhủ với Ti-mô-tê: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.” (2Tm2,11-12)
Ngay từ đầu chúng ta phải xác tín rằng chúng ta đi theo Chúa không phải theo một Đức Giêsu hoành tráng, một Đức Giê su đầy danh giá quyền lực, mà là Đức Giê su bị khinh khi, bị nhục mạ, bị treo lên thập giá. Nét độc đáo của đạo chúng ta là thập giá. Bỏ thập giá đi thì không còn là môn đệ Chúa Kitô. Chúa Giê su nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt16,24) Đức Thánh cha Phanxico nói:tôi có thể là giám mục, là linh mục, nhưng tôi không phải là môn đệ của Chúa nếu như tôi không có thập giá. Nói đến Chúa Kitô là nói đến thập giá. Thánh Phaolo nói: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1Cr2,2)
Thập giá Chúa Kitô phải ăn sâu vào con người tu sĩ. Người tu sĩ phải là những người mang trên mình thương tích của Chúa: “Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu.” (Gl 6,17) Chỗ khác thánh nhân nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.”(2Cr4,10-11)
Chúng ta hạnh phúc vì thập giá phải là vinh quang, vinh dự, là niềm hãnh diện của người tu sĩ. Thánh Phaolô nói: Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian”(Gl6.14)            
Tuy nhiên chúng ta lại thích tìm một vinh quang khác, một lời ca tụng khác, lúc đó chúng ta sống thù nghịch với thập giá Chúa Giêsu. Thánh Phaolo nói: “Như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô:19 chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,18) Chúa Giêsu nói: “Điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”(Lc16,14)
Chúng ta hạnh phúc vì thập giá là sức mạnh và sự khôn ngoan cho chúng ta. Chúng ta không đi tìm sức mạnh và sự khôn ngoan ở đâu khác ngoài thập giá Chúa Kitô. Thập giá đối với những người không có niềm tin là một cái gì điên khùng, yếu đuối. Nhưng đối với người có niềm tin thì đó lại là sức mạnh: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”(1Cr1.22-25)
Chúng ta hạnh phúc vì thập giá đem lại sự bình an cho chúng ta: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl1.20)
Xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa để chớ gì chúng ta cảm nhận ra niềm hạnh phúc của chúng ta nằm ở thập giá Chúa Kito.
XI.  ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ THẬT
Chúa Giê su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”(Ga14,6) Nhưng sự thật là gì? Chúa không đưa ra một định nghĩa. Khi Philato hỏi Chúa: “sự thật là gì?” Chúa không trả lời. Sự thật là chính Ngài, mà Ngài là Con Thiên Chúa, không thể định nghĩa theo kiểu của con người. Sự thật chỉ có thể được sống và không định nghĩa. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu nên Mẹ là Mẹ của sự thật, Mẹ đã sống sự thật.
1.    Hạnh phúc của Mẹ là sống thật
Hạnh phúc của Mẹ là mang lấy Đấng là sự thật trong mình, cho nên Mẹ luôn sống theo sự thật. Chúa Giêsu sống làm sao Mẹ sống làm vậy. “Chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối.” (1Pr2,22) Không ai thấy nơi Chúa lời gian dối nào thì không ai thấy nơi Mẹ một lời gian dối nào. Chúa sống thật Mẹ cũng sống thật, Chúa sống không gian dối, Mẹ cũng sống không gian dối; Chúa sống “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không” thì mẹ cũng “có” nói “có”, “không” thì nói “không”; Chúa không lắt léo thêm thắt thì Mẹ cũng không lắt léo, thêm thắt đặt chuyện. Chúa không sống giả hình thì Mẹ cũng không sống giả hình. Cả cuộc đời của Mẹ thấm nhiễm đời sống của Chúa Giêsu, nên cả đời Mẹ thấm nhiễm sự thật.
Mẹ sống thật trước mặt Chúa, Mẹ sống thật với chính mình, Mẹ sống thật trước mặt mọi người. Mẹ biết sống gian dối không thể làm Mẹ của Chúa Giêsu được; Mẹ biết cha của sự dối trá là ma quỷ, Mẹ biết chỉ con cái ma quỷ mới sống gian dối, mà Mẹ không hề muốn làm con cái của ma quỷ. Có thể nói Mẹ ghi nhớ lời này của Con Mẹ: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.”(Ga8,44)
Nhưng khi sống theo sự thật như thế, Chúa Giêsu phải trả giá làm sao thì Mẹ cũng phải trả giá như vậy. Chúa Giêsu trả giá bằng cái chết thì Mẹ cũng trả giá bằng “lưỡi gươm đâm qua tâm hồn” khi đứng chân thập giá, trên đó đang treo Đấng chân thật. Nhưng điều đó làm cho Mẹ hạnh phúc, bởi vì lúc đó Mẹ thực sự tham gia trọn vẹn vào hành vi của Đấng đã sống trọn vẹn sự thật.
2.    Hạnh phúc của chúng ta là sống theo sự thật
Hạnh phúc của Chúa Giêsu là sống theo sự thật; hạnh phúc của Mẹ là sống theo sự thật; đến lượt chúng ta nếu muốn sống hạnh phúc chúng ta cũng phải sống theo sự thật. Sống gian dối không bao giờ có được hạnh phúc, Thật với chính mình, thật với anh chị em của mình, thật trước mặt Chúa.
Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thật với chính mình. Thật với chính mình là làm sao mình thì cứ vậy, không tô son trét phấn, không che đậy. Thật với chính mình là nhận ra con người yếu đuối tội lỗi của mình, nhận ra cái bất tài của mình. Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1Ga1,8) Tôi yếu kiếm và nếu cần tôi cho người khác biết yếu kếm của tôi mà không che đậy. Nếu có gì tốt là do Chúa ban cho, chứ tự bản thân chúng ta chẳng có gì.
Tuy nhiên sống thật không phải là sống mặc cảm với những yếu đuối của chúng ta, với những bất tài và những tội lỗi của chúng ta, trái lại sống thật với chính mình là sống trong bình an, sống vui vì biết rằng bên cạnh những yếu đuối của mình, chúng ta mãi mãi là con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc nhờ máu Chúa Giêsu, Con của Người. Nếu chúng ta sống theo sự thật thì sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x.Ga8,32)
Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thật với anh chị em. Chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta sống thật, “có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không", bởi vì chúng ta biết “thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt5,37) Vì vậy thánh Phaolo khuyên: “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận.”(Ep4,25) Bác ái đòi chúng ta sống thật với nhau. Thánh Gioan nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.” (1Ga4,20)
Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thật trước mặt Chúa. Nếu chúng ta sống theo sự thật chúng ta sẽ hiểu biết về Đức Kitô. Thánh Phaolô nói: “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu.” (Ep4,15) Sống thật là chúng ta thờ phượng Chúa đích thực: Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế”(Ga4,23)
Thế nhưng chúng ta phải thú nhận là đôi lúc chúng ta sống không thật với nhau, chúng ta sống lắt léo, che đậy với nhau và c với Chúa. Thế mà “không có gì bí ẩn mà không bị lộ ra.”Chính vì thế mà đôi lúc chúng ta sợ nhau, chúng ta sợ Thiên Chúa và sợ cả chính mình.  Sống theo sự thật không phải chuyện dễ, Chúa Giêsu biết nên Ngài nói Ngài ra đi và Ngài sẽ phái Thần Khí sự thật đến. Chúa nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn chúng ta vào con đường sự thật và sống theo sự thật. Vì vậy chúng ta để Chúa Thánh Thần dạy ta sống theo sự thật, như Ngài đã dạy Mẹ Maria sống theo sự thật. Thánh Gioan nói: “Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự -mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá-, thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người.” (1Ga2,27)
Mẹ đã sống thật, nhờ đó Mẹ được hạnh phúc, xin Mẹ giúp chúng ta sống theo sự thật để được hạnh phúc giống Mẹ.
XII. ĐỨC MARIA, MẸ CỦA SỰ CẦU NGUYỆN
1.    Cầu nguyện, hạnh phúc của Mẹ
Mẹ Maria là người cầu nguyện và Mẹ hạnh phúc trong sự cầu nguyện. Mẹ cầu nguyện bằng lời, Mẹ cầu nguyện bằng trái tim, và Mẹ cầu nguyện bằng chính cuộc sống. Niềm vui nỗi buồn đều trở thành lời cầu nguyện của Mẹ.
Ngay từ nhỏ chắc chắn Mẹ đã sống cầu nguyện theo truyền thống của người Do Thái, trong Hội Đường hoặc ở gia đình gia đình. Mẹ đã cầu nguyện với anh chị em bà con lúc bấy giờ hoặc Mẹ cầu nguyện một mình. Lời cầu nguyện của Mẹ là lời cầu nguyện trong lịch sử của cả dân tộc Do thái. Chắc chắn Mẹ biết bài ca uy hùng mà con cái israel hát sau khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Chắc chắn Mẹ đã từng hát thánh vịnh. Chắc chắn Mẹ thuộc bài ca cầu nguyện của bà Anna sau khi được Chúa cho sinh con. Bài Magnificat sau này có âm hưởng bài ca của bà Anna. Bài Magnificat cũng nói lên những gì mà Thánh vịnh gia từng đã thốt lên. Chắc chắn Mẹ biết những bài cầu nguyện của ông Abraham, của ông Môse, của bà Ester, của ngôn sứ Giêrêmia…
Mẹ hạnh phúc vì được sống trong dân tộc của Chúa, cùng cầu nguyện với dân tộc đó, cùng chung số phận với dân tộc đó, cùng kinh nghiệm về tình thương của Chúa đối với dân tộc của Mẹ. Có cầu nguyện riêng trong thinh lặng của Mẹ, nhưng cho dù trong thinh lặng Mẹ cũng cầu nguyện cùng với dân tộc của Mẹ.
Nhưng hạnh phúc nhất là Mẹ không chỉ cầu nguyện với Đấng cao cả trên trời cao hoặc trong lịch sử của dân tộc Mẹ, mà giờ đây Đấng ấy đã đi vào lòng Mẹ. Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa trở nên Con của Mẹ. Như vậy Mẹ có phúc vì Mẹ có thể nói chuyện, cầu nguyện với Đấng đang ở trong Mẹ. Chắc chắn Mẹ đã sung sướng mỗi khi trở về với lòng mình để ở đó sống với Chúa. Khi sinh Chúa ra, Mẹ tiếp tục cầu nguyện bằng cách sống và đi theo Con Mẹ, nhất là dưới chân thập giá Mẹ đã thực sự đi vào trong lời cầu nguyện với cả con người của Mẹ.
Hạnh phúc của Mẹ là chẳng những cầu nguyện với Thiên Chúa trong Con của Mẹ, mà Mẹ còn cầu nguyện cùng với Con của Mẹ, trong Con của mẹ với tư cách Ngài là con người thật. Lời cầu nguyện của Mẹ được lồng vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Trong lời cầu nguyện của Mẹ có lời cầu nguyện của Con Mẹ. Trong tiếng kêu của Chúa Giêsu có tiếng kêu của Mẹ. Chúa Giêsu cầu nguyện với cả hữu thể của mình, thì Mẹ cũng cầu nguyện với tất cả hữu thể của Mẹ.
Hạnh phúc của Mẹ là cầu nguyện cùng với giáo hội. Sách công vụ tông đồ nói: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.”(Cv1,14) Sau khi Chúa Giêsu chết các tông đồ tụ lại cầu nguyện và có Mẹ Maria ở với họ, cùng cầu nguyện với họ. Ngày nay mẹ cũng đang cầu nguyện với chúng ta.
Hạnh phúc của mẹ là cầu nguyện với lời ca tụng Thiên Chúa, chúc tụng Đấng toàn năng đã nghiêng mình trên những người khiêm nhường, hèn mọn. Lời cầu nguyện ca tụng của Mẹ được tóm gọn lại trong bài Magnificat.
2.    Cầu nguyện, hạnh phúc của chúng ta
Cũng như Mẹ Maria, Cầu nguyện phải là niềm hạnh phúc của chúng ta. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Cầu nguyện làm cho chúng ta sống, không cầu nguyện là chúng ta đang chết.
Hạnh phúc vì nhờ cầu nguyện mà chúng ta được sống trong thế giới của Thiên Chúa. Có con đường dẫn chúng ta vào tương quan với Thiên Chúa để sống với Ngài: cầu nguyện.
Hạnh phúc là vì nhờ cầu nguyện mà chúng ta được sống với Chúa Giêsu trong sâu thẳm lòng mình, được cầu nguyện bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, kêu lên trong tiếng kêu của Chúa Giêsu.
Hạnh phúc vì chúng ta được Thần khí dạy cho chúng ta cách cầu nguyện, và chính Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả: “Lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”(Rm8,26)
Hạnh phúc của chúng ta là nhờ cầu nguyện mà chúng ta chia sẻ nỗi khổ đau của anh chị em chúng ta. Nhờ cầu nguyện mà chúng ta có khả năng gặp gỡ anh chị em đau khổ của mình. Nhờ cầu nguyện mà chúng ta vượt qua được những thử thách. Nhờ cầu nguyện chúng ta được sáng suốt, được bình an giữa những khó khăn, hiểu lầm. Nhờ cầu nguyện chúng ta biết sống khiêm nhường hơn, hiền lành hơn, khao khát Chúa hơn, xót thương chị em hơn, vui tươi hơn, dễ dàng tha thứ hơn, dễ dàng vượt qua những thăng trầm hơn. Nhờ cầu nguyện chúng ta dễ dàng tìm lại bình an hơn. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta sống khác thường, một sự khác thường thánh thiện khi chúng ta cầu nguyện cho những chị em gây đau khổ cho mình, nhờ đó chị em được bình an, và mình cũng được bình an.
Hạnh phúc vì nhờ cầu nguyện mà chúng ta có sức đề kháng chống lại những vi rút tấn công chúng ta. Thân xác con người luôn bị tấn công bởi vi rút độc hại, cần sức đề kháng, thì linh hồn cũng luôn bị tấn công bởi vi rút độc hại, những lối sống độc hại xâm chiếm chúng ta, ma quỷ không ngừng tấn công chúng ta “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.”(1Pr5,8) Làm sao chúng ta có sức đề kháng để có thể đứng vững? Cầu nguyện. Chúa mời gọi chúng ta hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, vì có những thứ quỷ không ăn chay và cầu nguyện thì không bao giờ chúng ta có thể đẩy lui chúng.(x.Mt17,21)
Hạnh phúc của chúng ta khi giống như Mẹ trong cầu nguyện chúng ta ca tụng, cảm tạ ri ân về biết bao điều cao cả Chúa đã thực hiện trong cuộc đời chúng ta. Cả cuộc đời chúng ta là một lời chúc tụng Chúa không ngừng. Chúng ta ca tụng Chúa khi vui cũng như lúc buồn, lúc thành công hay thất bại, khi được khen hay lúc bị chê, khi sốt sáng hay lúc khô khan…. Xin cho chúng con mãi mãi hát bài ca tri ân Te Deum.
Xin Đức Mẹ nhớ đến chúng con trong lời cầu nguyện của Mẹ. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để chúng con giống như Mẹ luôn sống với Chúa và đó là hạnh phúc cho chúng con. Xin cho chúng con cùng với Mẹ hát lên bài Magnificat. Amen